Ngay khi sự việc xảy ra, gia đình đưa cụ Q. đến BVĐK tỉnh Bắc Giang để khám. Được biết, người bệnh có tiền sử suy tim, rung nhĩ, đang sử dụng thuốc chống đông.
Sau thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ xác định có dị vật trong đường tiêu hóa của bệnh nhân.
Thông qua hội chẩn ban đầu, các bác sĩ xem xét chỉ định nội soi can thiệp gây mê, gắp dị vật ống tiêu hóa.
Vỏ thuốc có nhiều cạnh sắc sau khi được lấy ra từ thực quản của cụ bà. Ảnh: BVCC
Tuy nhiên, dựa trên đánh giá toàn trạng, bệnh nhân tuổi đã cao, thể trạng gầy yếu, kèm theo bệnh nền suy tim, rung nhĩ, nếu gây mê nguy cơ rủi ro cao, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nên đội ngũ thầy thuốc đã trao đổi với gia đình bệnh nhân, quyết định tiến hành lấy dị vật qua nội soi không gây mê.
Ekip nội soi đã tiến hành dùng thòng lọng, khéo léo gắp viên thuốc lẫn vỏ (kích thước 16x18mm) ra khỏi lòng thực quản người bệnh một cách nhẹ nhàng, an toàn.
Hiện tại, sau thủ thuật, người bệnh không còn đau, không có biến chứng, trở lại sinh hoạt bình thường.
BS.CKII Hoàng Trường Giang, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Bắc Giang, trực tiếp thực hiện ca nội soi can thiệp cho biết: Chúng tôi rất khó khăn để gắp viên thuốc ra vì cạnh viên thuốc còn vỏ rất sắc, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây thủng thực quản, thậm chí có thể gây các vết xước, rách hoặc chảy máu tại nhiều vị trí mà nó tiếp xúc.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, BVĐK tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận, can thiệp 12 trường hợp nuốt phải dị vật đường tiêu hoá, chủ yếu ở trẻ em và người già. Các dị vật hay gặp phải là xương cá, viên thuốc, đồ chơi kích thước nhỏ ...
Bác sĩ Giang khuyến cáo, nguy cơ nuốt dị vật có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, nên cần cẩn trọng trong khi ăn uống, sinh hoạt để hạn chế tối đa nguy cơ nuốt phải dị vật. Nhất là khi uống thuốc, cần kiểm tra kỹ để tránh nuốt nhầm thuốc chưa bóc vỏ, đặc biệt là các loại có vỉ sắc nhọn. Khi có tình trạng nuốt khó, nuốt vướng chưa rõ nguyên do, người bệnh nên đi thăm khám và nội soi thực quản để được phát hiện và can thiệp kịp thời.